Lý tưởng “NGHĨA” trong văn hóa Việt

 

Lý tưởng “NGHĨA” trong văn hóa Việt 

Xin mời bạn …

Thoát thai từ lòng đất mẹ, tổ-chức Nghĩa Sinh ra đời, hoạt động và phát triển. Bởi từ lòng quê hương Việt Nam, Tổ chức Nghĩa Sinh được nuôi dưỡng và hấp thụ nền văn hóa Việt tộc đã có hơn 4000 năm văn hiến. Di sản văn-hóa này làm thành chất liệu sống cho mọi hoạt động của tổ chức. Lấy nguồn gốc dân tộc làm căn bản, lấy văn hóa dân tộc làm kim chỉ nam, vì thế Nghĩa Sinh luôn gần gũi với quê hương và dân tộc, là người con ngoan hiền của mẹ Việt Nam.

Nghĩ về quê hương, cho đồng bào ruột thịt yêu thương và phục vụ cho lợi ích nhân loại, Nghĩa Sinh đã thể hiện lòng hiếu thảo như con với mẹ. Vì Nghĩa Sinh từ đó mà có và nhờ đó mà lớn lên, nên Nghĩa-Sinh không bao giờ quên ơn dưỡng dục và nhất là không bao giờ làm điều gì trái với ước vọng của mẹ Việt Nam.

Thể hiện lòng hiếu thảo, thể hiện sự biết ơn, thể hiện nhân tính Việt nên Nghĩa Sinh đã chọn lý tưởng của mình trong lòng văn hóa Việt tộc và đã trở thành một tương quan giữa lý tưởng Nghĩa Sinh và văn hóa Việt tộc. Vậy: Văn hóa là gì? Văn hóa Việt tộc? Lý tưởng Nghĩa Sinh trong văn hóa Việt tộc?

1. Văn hóa là gì

Hiện tại chúng ta có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Có tác giả cho rằng văn hóa là tất cả nếp sống của con người trong xã-hội. Tác giả khác thì định nghĩa văn hóa là kho tàng nghệ thuật, văn chương, hội họa, âm nhạc của một dân tộc. Có lẽ, thích hợp nhất với đề tài chúng ta đang thảo luận là định nghĩa sau đây:

Văn hóa là một hệ thống tư tưởng bao gồm niềm tin, giá trị, phong tục, ước nguyện và thái độ của một dân tộc, được dùng như là kim chỉ nam hướng dẫn các hành động của dân chúng trong nền văn hóa đó, nhằm thỏa mãn nhu cầu, ước muốn, sở thích, công việc và trách nhiệm. Vì văn hoá mang lại hạnh phúc cho một dân tộc, do đó, dân tộc nào cũng có khuynh hướng bảo tồn và phát triển văn hóa của mình. Khi con người đặt niềm tin vào một điều gì đó, họ tự thiết lập một hệ thống giá trị để ý nghĩa hóa niềm tin của mình.

Để hỗ trợ cho hệ thống giá trị, con người đặt ra phong tục tập quán phù hợp với hệ thống giá trị đó. Những ai giữ đúng phong tục tập quán sẽ được xã hội chấp nhận; những ai đi ngược lại với phong tục tập quán của một dân tộc sẽ bị xã hội đó coi thường và chối bỏ. Từ đó, chúng ta sẽ có thái độ tốt hay xấu đối với một người. Năm yếu tố này là kim chỉ nam cho các hành động thường nhật của con người trong nền văn hóa của họ. 

Vì chỉ có hành động như vậy họ mới thỏa mãn được nhu cầu, ước muốn, sở thích, công việc và chu toàn trách nhiệm của mình. Cũng vì văn hóa mang lại hạnh phúc cho một dân tộc nên văn hóa được coi như là món ăn tinh thần không có không được. Dân tộc nào cũng có văn hóa.

Có những dân tộc đặt trong tâm về vấn đề hướng thượng, suy tôn tạo hóa (THIÊN), cũng có những nền văn hóa chuyên chú về vấn đề vật chất trần-gian (ĐỊA), một số nền văn hóa khác chú trọng vào con người trong xã hội (NHÂN). Riêng nền văn hóa Việt tộc của chúng ta thì sao? 

2. Văn hoá Việt tộc?

Khi làm một việc gì, cha ông chúng ta vẫn nhắc đến ba yếu-tố quan thiết cho việc thành công, đó là THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA. Yếu tố NHÂN là mấu chốt cho tất cả mọi phương tiện hành động khác. Theo triết gia Kim Định, có ba cảnh vực là trời, đất và người trong Đạo Lý Cổ Việt. Trời là cảnh vực cho nền văn hóa đặt nền tảng ở sự tin tưởng vào trời như những người theo Ấn Độ Giáo. Họ cho rằng, mọi việc đã được trời an bài. Con người chỉ cứ thế tuân theo. Đất là cảnh vực cho nền văn hóa đặt nền tảng vào sức mạnh của con người, của uy quyền, tiền tài, thế lực. Điển hình là xã hội La Mã ngày xưa, họ phân chia giai cấp dựa vào thế lực và tiền tài. Người là cảnh vực cho nền văn hóa đặt nền tảng trên con người, nghĩa là bất cứ ai được sinh ra đều được quyền làm người như bao nhiêu người khác; không có một sự phân chia giai cấp nào từ phía thượng đế và cũng chẳng vì tiền tài và thế lực. Với nhận xét của giáo sư Kim Định ở trên, yếu tố NHÂN hay người được coi là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Như vậy, nội dung văn hóa Việt tộc dựa vào người, là văn hóa nhân bản và con người đóng vai trò chủ động. Cái đáng đề cao nhất trong con người là tự tạo, tự tác, tự động, tự túc.

3. Lý tưởng “NGHĨA” trong văn hóa Việt 

a) Văn hóa nhân bản được biểu hiện trong các văn kiện căn bản của Tổ chức Nghĩa Sinh, như Điều Lệ, Nội Quy, Quy Luật, Mười Điều Tâm Sinh, Năm Điều Hướng Sinh, Ba Lời Tuyên Hứa Nghĩa Sinh, Bốn Lời Tuyên Hứa Trưởng Nghĩa Sinh. Chúng tôi xin trích dẫn một phần trong Bản Qui Luật Nghĩa Sinh được soạn thảo trên 50 năm về trước (năm 1963) để chúng ta cùng học hỏi về tính cách nhân bản của tổ chức Nghĩa Sinh:

Trích Qui-Luật Nghĩa-Sinh: Phần 2, Chương Một

- Điều 29: Vào Nghĩa Sinh không được chối từ việc phụng sự vì “nhập Nghĩa Sinh là nhập cuộc phụng sự để cải thiện mình, giúp ích người, để trở nên người lãnh đạo mai sau.” – lãnh đạo gia đình, trường học, sở làm.

- Điều 30: Nghĩa Sinh phải làm việc trong vui vẻ dù mệt nhọc, vất vả, luôn tỏ ra mình đã tự hiến, tự nhận những hy sinh cho người khác được an ủi. Phải quan niệm lúc cho chính là lúc được lãnh nhận.

Trích Qui-Luật Nghĩa-Sinh: Phần 2, Chương Hai

- Điều 31: Nghĩa Sinh thảo kính Ông Bà, Cha Mẹ, vâng lời và tận tình phụng dưỡng.

Trích Qui-Luật Nghĩa-Sinh: Phần 2, Chương Ba

- Điều 32: Nghĩa Sinh có bổn phận phải che chở cho những bạn hữu bị ức hiếp và cô thế. Sẵn sàng giúp đỡ những bạn học kém hơn và an ủi những người bất hạnh.

Trích Qui-Luật Nghĩa-Sinh: Phần 2, Chương Bốn

- Điều 35: Nghĩa Sinh sẵn sàng giúp ích mọi người trong mọi hoàn cảnh bằng mọi phương tiện công chính, hợp pháp và phù hợp với tinh thần của Tổ chức Nghĩa Sinh.

- Điều 36: Nghĩa Sinh kính trọng những bậc cao niên, nhường bước cho người già cả.

b) Nguyên lý Nghĩa Sinh được thể hiện trong văn-hóa Việt tộc:

Nếu triết gia Kim Định đề cập đến tự tạo, tự tác, tự động để đề cao tinh thần tự lập của người Việt, không thích ỷ lại vào một quyền lực nào khác ở bên ngoài, thì cách đây trên 50 năm (1963), Tổ chức Nghĩa Sinh cũng đã phổ biến Nguyên lý Nghĩa Sinh thể hiện bằng biểu hiệu ghi trên:

·          Với khối óc: Tự giác, tự giải, tự giúp.

·          Với con tim: Hài hòa – thể hiện cho lòng nhân ái.

·          Với đôi tay: Phụng sự con người, xã hội, thiên nhiên.

·          Với đôi chân: Tiến bước không ngừng trong (1) cải tiến bản thân, (2) giúp ích đồng loại, (3) tự luyện lãnh đạo.

Thay lời kết

Nói tóm lại, là con của mẹ Việt Nam, Nghĩa Sinh đã hoà đồng với lý tưởng của dân tộc, với huyết thống và tinh hoa của nền văn hóa Việt tộc. Dù có ở chân trời góc bể nào, người Nghĩa Sinh vẫn hướng về mẹ Việt Nam thân yêu, để được làm con của Mẹ và để mang tình thương nhân bản: Nhân ái, nhân hòa, nhân nghĩa của Mẹ, là hạt giống tốt đi gieo khắp năm châu.

- Huynh Trưởng Nghĩa Sinh
 

 

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh
(03/11/2014 - 1055 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Huynh Trưởng Nghĩa Sinh
11 - Nghĩa Sinh chúc mừng Năm Mới DL 2016 (31/12/2015 - 1501 lượt xem)
16 - Hoạt động “SINH” trong xã hội Mỹ (13/11/2014 - 1365 lượt xem)