Giới thiệu các Dự án CTXH Nghĩa Sinh và các Đoàn đội CTXH Nghĩa Sinh tại Saigon và Chicago

 
Giới thiệu các Dự án CTXH Nghĩa Sinh và các Đoàn đội CTXH Nghĩa Sinh tại Saigon và Chicago

(Được phổ biến trên Website www.NghiaSinh.org ngày 30/05/2008)

Nghĩa Sinh được thành lập năm 1963 tại Saigon với 3 mục đích chính. Ba mục đích chính nầy đã trở thành 3 lời tuyên hứa khi một người chính thức gia nhập Nghĩa Sinh.

1. Cải thiện bản thân (self-improvement and self-development);

2. Giúp ích tha nhân (human services and social work);

3. Tự luyện lãnh đạo (leading self and self-leadership).

Vì vậy, sự chuyển dịch từ ngữ Nghĩa Sinh từ tiếng Việt qua tiếng Anh một cách chính xác - theo đúng ý nghĩa đích thực của tổ chức Nghĩa Sinh là: Volunteers for Human Services and Leadership Development.

Để thực hiện mục đích hoạt động số 2 ghi trên - là làm việc bác ái, từ thiện, công tác xã hội (CTXH), Nghĩa Sinh đã bắt đầu các dự án CTXH tiên khởi tại Saigon như sau:

Dự án CTXH I: Trung tâm Nghĩa Sinh cung cấp Sách vở và Dụng cụ Học sinh

1. Thời gian: 1966 và 1967

2. Địa điểm: Số nhà 6, đường Trần Quang Diệu, Saigon

3. Hoạt động: Giúp đỡ học sinh nghèo mua sách học, tập vở, bút viết và các dụng cụ học sinh khác với giá rẻ hay giá sỉ. Dự án CTXH nầy cũng có một thư viện miễn phí cho học sinh với cả trăm cuốn sách về văn chương, khoa học và toán học

Dự án CTXH II: Trung tâm Nghĩa Sinh Cứu trợ Nạn nhân Chiến cuộc

1. Thời gian: 1968 và 1969

2. Địa điểm: Số nhà 75, đường Phan Đình Phùng, Saigon

3. Hoạt động: Giúp đỡ thực phẩm, quần áo, thuốc uống cho đồng bào phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, của cải ở miền quê để vào sống trong các trại tỵ nạn ở Saigon. Khoảng 25 đến 45 Nghĩa Sinh ăn uống và ngủ nghỉ tại trung tâm để mỗi ngày chia nhau đi công tác ở nhiều trại tỵ nạn khác nhau. Nghĩa Sinh sống và sinh hoạt với nhau hàng ngày theo một chương trình giống như trong một tu viện (sáng: thức dậy, tập thể dục, phút tinh thần, dùng điểm tâm và lên đường công tác. Chiều: sinh họat, hội họp và báo cáo thành quả công tác, thể dục, tắm giặt, cơm tối, phút tinh thần và nghỉ đêm).

Dự án CTXH III: Trung tâm CTXH Nghĩa Sinh

1. Thời gian: Từ tháng 1-1970 đến hết tháng 4-1975

2. Địa điểm: Số nhà 6-A, đường Hùng Vương, Saigon

3. Hoạt động: Trung tâm có 3 hoạt động chính: (1) Nuôi dưỡng và giáo dục các em Sống Hùng từ Trại Hướng Thiện Chánh Hưng về lưu ngụ tại Trung tâm CTXH Nghĩa Sinh; (2) Điều hành một trường học miễn phí cho học sinh nghèo; và (3) Tổ chức một lưu xá cho sinh viên từ các tỉnh xa về Saigon trọ học.

Dự án CTXH IV: Văn phòng Nghĩa Sinh Bảo trợ Tỵ nạn Đông Nam Á

1. Thời gian: Từ năm 1976 đến 1990

2. Địa điểm: Số nhà 1652, đường Rockwell Street, Chicago, USA

3. Hoạt động: Bảo trợ đồng bào tỵ nạn từ Đông Nam Á tới Hoa Kỳ, gồm người Việt, người Kmer, người Lào và một số ít người Hoa.

Dự án CTXH V: Đoàn CTXH Nghĩa Sinh tại Việt Nam (được bổ sung ngày 18/12/2013)

1. Thời gian: Từ tháng 1 năm 2014

2. Địa điểm: VP Nghĩa Sinh Phước Tuy, Nghĩa Sinh Phan Thiết, Nghĩa Sinh Saigon

3. Hoạt động: (1) Giúp đỡ người cao tuổi, đau yếu, neo đơn, nghèo khổ ở vùng sâu vùng xa; (2) Hợp tác hỗ trợ các em cô nhi trong việc học tập và tiếp giúp các em khuyết tật trong việc phát triển bản thân; (3) Trợ cấp một phần học bổng cho các em học sinh hiếu học thuộc diện gia đình nghèo. 

7 ĐIỀU TÂM NIỆM ĐOÀN CTXH NGHĨA SINH

7 Điều Tâm Niệm của các Trưởng và Nghĩa Sinh thành viên thiện nghĩa trong các Dự án CTXH và các Đoàn thể CTXH Nghĩa Sinh. Văn kiện nầy đã được soạn thảo và ấn hành trước khi Dự án CTXH số I bắt đầu vào năm 1966 tại số nhà 6, đường Trần Quang Diệu, Saigon.

1. Tôn trọng  Respect

Tôn trọng là một cảm giác hay một hành động tích cực thể hiện sự kính trọng với đồng bào mà Nghĩa Sinh tới giúp đỡ và phục vụ.

2. Tận tâm  Dedication

Tận tâm là làm việc chăm chỉ – dồn mọi nỗ lực trí tuệ, công sức và lòng nhiệt thành để chu toàn một công việc, một công tác hay một nhiệm vụ được trao phó hay do mình tự chọn (như một bà mẹ tận tâm trong việc dưỡng dục con cái; một thầy giáo tận tâm trong việc dạy học; một bác sĩ tận tâm trong việc săn sóc sức khỏe cho bệnh nhân). Làm việc chăm chỉ đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc, tinh thần kỷ luật tự giác và khả năng tập trung vào các mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp và trưởng thành.

3. Trung thực  Integrity

Trung thực là thành thật với chính mình và với người khác  là đồng bào mà Nghĩa Sinh tới giúp đỡ và phục vụ. Người trung thực biết tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, nhất là chân thật trong ngôn ngữ và hành động. Trung thực là phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một người liêm chính.

4. Tự tin – Self-confidence

Tự tin là tin vào bản thân và khả năng của mình. Nghĩa Sinh giúp đỡ đồng bào và khuyến khích thân chủ tin tưởng vào bản thân và khả năng của họ. Người có tự tin đa phần sẽ thành công; người thiếu tự tin đa phần sẽ thất bại.

5. Tự giúp – Self-help

Tự giúp là sử dụng các nỗ lực và nguồn lực của chính mình để đạt được mục đích mà không cần dựa vào người khác. Nghĩa Sinh chủ trương “giúp người để người tự giúp” – nghĩa là thiết kế một chương trình để hỗ trợ đồng bào đạt được những điều hữu ích cho bản thân. (Thí dụ: thay vì tình nguyện giúp đẩy xe lăn cho một người khuyết tật suốt đời, Nghĩa Sinh sẽ tìm cách giúp họ có chiếc xe lăn tự động để người nầy tự do di chuyển theo nhu cầu bản thân mà không phải lệ thuộc hay phải nhờ vả người khác.)

6. Tín nhiệm – Trust

Tín nhiệm là mức độ tin cậy vào một người hay là mức độ tin cậy vào nhau. Người được tín nhiệm thì trước sau như một – lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau và phải dựa trên sự thật. Các yếu tố cần thiết để có được và giữ được sự tín nhiệm là: (1) nói thật; (2) làm thật; (3) có năng lực; (4) đáng tin cậy; và (5) hành động nhất quán.

7. Thương cảm  Empathy

Thương cảm hay tình thương là một loại tình cảm có sức thúc đẩy chúng ta muốn quan tâm, muốn chia sẻ, muốn giúp đỡ người khác và muốn giúp đỡ nhau – mà không mong cầu được đền đáp (vì nếu làm việc thiện nghĩa mà còn mong chờ đền đáp thì chính lúc nầy “thương cảm” sẽ được chuyển hóa thành “thương mại”). Dù đây là điều tâm niệm cuối cùng (điều thứ 7), nhưng tình thương là điều tâm niệm CTXH quan trọng nhất của Nghĩa Sinh trong tương giao với đồng hương, đồng bào và đồng loại. Có tình thương là có tất cả; mất tình thương là mất hết –Huynh Trưởng Nghĩa Sinh

 

 

VP Huynh trưởng Nghĩa Sinh
(30/05/2008 - 24086 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả VP Huynh trưởng Nghĩa Sinh