Hội Đồng Huynh Trưởng Nghĩa Sinh: 125 Hiệu trưởng, Hiệu phó, Giám học và Giáo viên tham dự thường huấn “Kỹ năng Lãnh đạo Bản thân”

Hội Đồng Huynh Trưởng Nghĩa Sinh: 125 Hiệu trưởng, Hiệu phó, Giám học và Giáo viên tham dự thường huấn “Kỹ năng Lãnh đạo Bản thân” - phát triển năng lực lãnh đạo từ bên trong

Đáp lời mời của Tỉnh dòng SPC Saigon, Thầy Giuse – Huynh Trưởng Nghĩa Sinh, đã từ Hoa Kỳ về điều hợp một chương trình hội thảo với chủ đề “Kỹ năng Lãnh đạo Bản thân” - trong hành trình phục vụ đồng loại, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội. Thành phần tham dự gồm có 125 Nữ tu Dòng Thánh Phaolô từ nhiều tỉnh thành về thường huấn. Đại đa số các tham dự viên khóa học nầy hiện là Hiệu trưởng, Hiệu phó, Giám học hay Giáo viên tại hơn 30 trường học do Tỉnh dòng SPC Saigon quản trị và điều hành. Với sự hướng dẫn tinh thần của Nữ tu Cố vấn Tỉnh dòng đặc trách Huấn luyện và Nữ tu Cố vấn Tỉnh dòng đặc trách Huấn Giáo dục, chương trình hội học kỳ nầy đã được tổ chức tại hội trường của Tỉnh dòng SPC Saigon trong 4 ngày vào hạ tuần tháng 2 vừa qua.

Ý nghĩa lãnh đạo bản thân

Lãnh đạo Bản thân (LĐBT) bắt đầu với tiền đề đơn giản là mình không thể nào thành công trong việc giúp đỡ và hướng dẫn người khác nếu mình không thể tự quản lý được chính mình. Nếu muốn hướng dẫn người khác hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải có khả năng lãnh đạo bản thân hiệu quả. LĐBT là bồi dưỡng kiến thức và trau dồi kỹ năng dẫn dắt chính mình. Tự lãnh đạo là lúc chúng ta “tiếp xúc” với bản thân mình một cách trung thực như khi “xét mình” để nhận diện bản thân: ưu điểm và khuyết điểm; sở trường và sở đoản; tiềm năng và giới hạn; tự tin nhưng không tự cao, tự đại – biết khiêm nhường nhìn nhận sự mỏng dòn của thân xác. LĐBT là một tiến trình sàng lọc để những gì tích cực sẽ được bảo trọng và phát triển, và những gì tiêu cực sẽ được rời xa và vĩnh biệt để dồn nỗ lực trong 3 tâm hướng: (1) Cải thiện bản thân; (2) Giúp ích tha nhân; và (3) Phụng sự Thiên Chúa.


Thể hiện bản thân và vượt qua chính mình

Lãnh đạo Bản thân đánh dấu một bước tiến đột phá quan trọng của một người từ lãnh đạo bằng quyền lực (authority power) đến lãnh đạo bằng những giá trị bản thân (self-value power). Bước tiến nầy được xây dựng dựa trên nền tảng nhân văn và nhân bản: mọi người đều có hai nhu cầu bản năng đó là nhu cầu thể hiện bản thân và nhu cầu vượt qua chính mình. LĐBT giúp ta hoàn thành cả hai mục tiêu trên bằng hành động truyền cảm hứng xuất sắc cho bản thân đồng thời khuyến khích người khác thể hiện bản thân và vượt qua chính mình. Để thành công trong việc thể hiện bản thân và vượt qua chính mình, Thầy Giuse đã chia sẻ với các tham dự viên những tài liệu lãnh đạo bản thân căn bản sau đây:

1. Trắc nghiệm nhân cách (personality test) – Để mỗi người tự nhận diện ra những nhân cách bẩm sinh và nếu cần, tìm phương cách vượt qua chính mình (như nặng về hướng ngoại hơn hướng nội, lý ‎trí hơn tình cảm, tiếp nhận hơn xét đoán).

2. Nhu cầu con người (human needs) – Để mỗi người nhận biết chính xác những nhu cầu mà mọi người đều có (như nhu cầu căn bản, an toàn, yêu thương, tưởng thưởng, thành toàn, niềm tin).

3. Tiềm năng con người (human potentials) – Để mỗi người tự khám phá ra tiềm năng của mình (như ngữ học, toán học, khoa học, triết học, thần học, âm nhạc, nghệ thuật, giao tiếp, điền kinh).

4. Những thói quen giúp thành công (habits for success) – Để mỗi người tự luyện tập những thói quen tốt đẹp giúp ta thành công (như tích cực chủ động, biết rõ mục tiêu, sắp xếp ưu tiên, thực hiện “cùng thắng”, biết người biết mình, đồng tâm hiệp lực, bồi dưỡng bản thân).

5. Những phẩm chất vàng lãnh đạo – Đây là cơ hội để các tham dự viên thực tập kỹ năng “Làm việc Nhóm” và “Làm việc Chung” đồng thời biết tự luyện bản thân dựa trên những phẩm chất lãnh đạo nầy (như người lãnh đạo tận tâm, can đảm, sáng suốt, trách nhiệm, tự giác, phục vụ).

Những kỹ năng cốt lõi để lãnh đạo bản thân

Một người am tường về lãnh đạo bản thân cần học hỏi và thực hành thông suốt 8 kỹ năng lãnh đạo bản thân sau đây.

1. Biết quản trị THỜI GIAN;

2. Biết bảo dưỡng NĂNG LỰC;

3. Biết sắp xếp ƯU TIÊN;

4. Biết định hướng SUY NGHĨ;

5. Biết tự chủ CẢM XÚC;

6. Biết tự chủ LỜI NÓI;

7. Biết tự chủ HÀNH ĐỘNG;

8. Biết kiểm dưỡng đời sống TÂM LINH.

Những chiều kích phát triển lãnh đạo

Lãnh đạo là một tiến trình cuộc đời bao gồm bốn chiều kích phát triển. Khởi sự là lãnh đạo bản thân. Đây là giai đoạn học hỏi và tu luyện chính mình - vì khó có ai có thể giúp đỡ và hướng dẫn người khác thành công nếu người đó không thể tự quản lý được chính mình. Tiếp đến là lãnh đạo một nhóm. Nhóm nầy thường được gọi là nhóm lãnh đạo (leadership team). Nhóm lãnh đạo được thành lập nhằm giúp nâng cao kiến thức và khả năng lãnh đạo của mọi thành viên trong nhóm. Sau đó là lãnh đạo một tổ chức. Một tổ chức cần có tầm nhìn, sứ vụ, giá trị và lập trình cho những dự án, kế hoạch và chương trình hoạt động hữu hiệu. Hoàn tất sứ vụ của tổ chức và mang lại những thành quả tốt đẹp là dấu chỉ về ơn gọi cho một hay nhiều sứ vụ mới: lãnh đạo cộng đoàn, cộng đồng và xã hội.


Phát triển năng lực lãnh đạo từ bên trong

Là những nhà lãnh đạo thánh thiện và có nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực giáo dục, quý Soeurs Tỉnh dòng SPC Saigon trong khóa học đã khiêm nhu tham dự hội học (3 tiết buổi sáng), hội thảo (3 tiết buổi chiều) và thực tập (1.5 tiết theo tổ) để hoàn tất 30 tiết học l‎ý thuyết và thực hành về chủ đề Lãnh đạo Bản thân. Người viết xin được bày tỏ lòng cảm phục và trân trọng tới quý Soeurs.

Lãnh đạo bản thân là phát triển năng lực lãnh đạo từ bên trong. Tác giả John Maxwell đã viết, “Nếu bạn trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn NÊN làm ở bên trong, thì bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo theo cách bạn MUỐN ở bên ngoài.” Theo ông, hầu như mọi thay đổi, canh tân, cải tiến đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo và năng lực lãnh đạo được đại đa số trân trọng và trân quý thường phát triển từ những giá trị nội tâm (bên trong) và trình tự tỏa rạng ra bên ngoài.

- Cao Thị Khuê Các

 

 

 

Cao Thị Khuê Các
(28/03/2020 - 1403 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Cao Thị Khuê Các