Tỉnh dòng SPC Đà Nẵng: 108 nữ tu từ 57 cộng đoàn về tham dự Thường huấn "Kỹ năng Phục vụ Hiệu quả" trong dịp Hè 2016 do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách

Tỉnh dòng SPC Đà Nẵng: 108 nữ tu từ 57 cộng đoàn về tham dự Thường huấn "Kỹ năng Phục vụ Hiệu quả" trong dịp Hè 2016 do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách

Tuần qua, 108 nữ tu thuộc Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng đã về tham dự Khoá Thường huấn Hè 2016 để bồi dưỡng Kỹ năng Phục vụ Hiệu quả. Các sœurs về tham dự thường huấn năm nay đến từ 57 cộng đoàn và 11 giáo điểm trải dài trên 23 tỉnh thành Việt Nam (như Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Pleiku, Qui Nhơn, Vinh, Bình Định, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Kontum, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên).

Kỹ năng Phục vụ Hiệu quả

Chủ đề thường huấn năm nay là “Kỹ năng Phục vụ Hiệu quả” - dựa theo tinh thần và nội dung của các tác phẩm sau đây:

·  7 thói quen thành đạt (theo Stephen Covey)

·  9 phong cách lãnh đạo/phục vụ không chức danh (theo Robin Sharma)

·  9 thành công bằng sự tử tế (theo Inamori Kazuo)

·  17 nguyên tắc làm việc theo nhóm (theo John Maxwell)

·  25 phương cách phục vụ đắc nhân tâm (theo John Maxwell)

Sau phần diễn giải, phân tích và tóm kết của thầy phụ trách thường huấn, các tham dự viên đã được chia thành 9 tổ để làm việc theo nhóm, học tập theo nhóm, và thuyết trình theo nhóm về các đề tài: (1) Tiên phong Chủ động; (2) Xác định Mục tiêu; (3) Thứ tự Ưu tiên; (4) Tư duy Cùng thắng; (5) Lắng nghe Thấu hiểu; (6) Đồng tâm Hiệp lực; (7) Cải tiến Bản thân; (8) Làm việc theo Nhóm; và (9) Thuật Đắc nhân tâm. Vì thời gian thường huấn có giới hạn nên hai tác phẩm của Robin Sharma và Inamori Kazuo sẽ được học hỏi vào một dịp khác.

5 phẩm chất cốt lõi để một cộng đoàn hoạt động kết quả

Lồng trong chương trình thường huấn, thầy phụ trách cũng tìm dịp giúp quý tham dự viên ôn lại những bài học đã được chia sẻ trong các khóa thường huấn trước như 5 phẩm chất cốt lõi của nhóm sau đây: 

1. TÍN NHIỆM nhau

Khi các thành viên trong nhóm thực sự minh bạch và trung thực với nhau, họ có thể xây dựng lòng tin trên sở đoản của nhau.

2. Giải tỏa các mâu thuẫn chung quanh ý tưởng để tiến tới ĐỒNG THUẬN

Khi có sự tin tưởng, thành viên trong nhóm có thể tham gia vào những cuộc tranh luận không cần sàng lọc trước và mang tính cách xây dự cho các ý tưởng.

3. CAM KẾT thi hành các quyết định

Khi các thành viên có thể phát biểu ý kiến và tranh luận về các ý tưởng ở trong nhóm, họ sẽ có nhiều khả năng hơn để thi hành các quyết định.

4. Chịu TRÁCH NHIỆM chung với nhau

Khi tất cả mọi người cam kết thực hiện một kế hoạch hành động rõ ràng, họ sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm chung với nhau.

5. Tập trung để đạt được KẾT QUẢ tập thể

Mục đích tối hậu của việc xây dựng niềm tin lớn hơn thì đồng thuận, cam kết và trách nhiệm là một: đạt được kết quả.

5 điều Hướng Sinh của Thầy Giuse (1963)

Tinh thần của 5 điều Hướng Sinh bao gồm những giá trị cốt lõi từ văn minh tình yêu của Đức Kitô mà thầy phụ trách luôn tìm dịp ôn luyện và khuyến khích thực hành trong các khóa thường huấn. Theo thầy, “điều kiện ắt có và đủ” để trở thành một Kitô hữu đích thực là “có đạo” và “sống đạo” (Kitô hữu = Có đạo + Sống đạo). Và thực thi 5 điều Hướng Sinh sau đây là sống đạo:

1. Khi bị chỉ trích hoặc làm tổn thương,

    =>Tôi sẵn sàng tha thứ.

2. Khi được người khác cho biết khuyết điểm,

    =>Tôi vui vẻ kiểm điểm bản thân để cải thiện.

3. Khi muốn chỉ trích hay làm tổn thương kẻ khác,

    =>Tôi nhận diện mình để cảm thông với người.

4. Khi thấy ai có lỗi,

    =>Tôi nói riêng với người đó và không cho người khác biết.

5. Khi bị thiếu thốn về tinh thần hay thể chất,

    =>Tôi cầu nguyện và tận dụng khả năng của mình.

Tóm lại, hãy bắt đầu bằng những gì mà mình và người đã có những điểm giống nhau. Nếu có bất đồng, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người để cảm thông và thấu hiểu. Thiết lập sự hoà hợp tâm hồn giữa mình với người. Tích cực trong việc hoà giải yêu thương. Và cuối cùng, kiên nhẫn cầu nguyện và ra sức khắc phục để trở nên người đồng hành đích thực.

7 Thói quen Thành đạt của Thầy Covey (1973)

Để phục vụ hiệu quả, chúng ta cần học hiểu và thực hành 7 thói quen thành đạt mà Thầy Covey đã soạn thảo và xuất bản năm 1973. Trên 25 triệu người đã đọc tác phẩm của thầy – được chuyển dịch từ Anh ngữ sang 54 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Hãy lắng nghe lời thầy hướng dẫn trong một phút:

1. Tự mình đưa ra những cam kết nhỏ và thực hiện chúng.

2. Hãy là người hướng dẫn chứ không phải là người phán xét kẻ khác.

3. Làm gương sáng chứ không chỉ trích các cộng sự.

4. Đưa ra giải pháp chứ không làm vấn đề nghiêm trọng hơn.

5. Tập trung vào ưu điểm của người khác để khích lệ và giúp họ thăng tiến.

6. Nhìn khuyết điểm của người khác bằng cảm thông chứ không lên án.

7. Không bàn cãi khuyết điểm của người khác trong các buổi họp; nếu cần thì gặp riêng và trao đổi theo nguyên tắc tín cẩn (confidentiality). 

9 Thực tập của Đời sống Thánh hiến

Mỗi bài ca được thầy hướng dẫn mời cả lớp cùng vui hát trong khóa thường đều được dùng để chuyển tải những thông điệp về tinh hoa của Văn minh Tình yêu của Đức Kitô và những giá trị cốt lõi của đời sống thánh hiến, như:

1. Chấp nhận mình (bản thân) như quà tặng cho tha nhân.

2. Chào đón người (tha nhân) như ân ban của Thiên Chúa gửi đến cho mình.

3. Chu toàn trách nhiệm một cách trưởng thành - không tìm cớ hay tìm người để đổ lỗi.

4. Chấp nhận thử thách trong sáng tạo - khi không thay đổi được hướng gió thì thay đổi cánh buồm.

5. Quân bình trong đời sống đa diện là tâm linh, trí tuệ, thể xác.

6. Biết phát hiện cái tốt nơi mình và cái tốt nơi người để lũy thừa hoá những ưu điểm được trao ban.

7. Phục vụ trong yêu thương để sở hữu hoá tình yêu đón nhận và cho đi.

8. Vượt qua khung xếp của bản thân để sáng tạo - sử dụng tối đa tiềm năng của mình.

9. Duy dưỡng niềm vui thành toàn - vì mỗi ngày sống là một tiến trình tăng trưởng trình tự và tốt tươi.

Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Việt Nam

Các khóa thường huấn SPC đã được tổ chức hằng năm nhằm thỏa đáp nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng sống theo Tin Mừng và nghệ thuật phục vụ dân Chúa khắp nơi. Saint Paul de Chartres (SPC) - là tên Dòng Thánh Phaolô thành Chartres - đã được thành lập tại Việt Nam cách nay trên 150 năm. Hội dòng đã và đang có những đóng góp lớn lao trong công tác giáo dục, xã hội, y tế, và đặc biệt là thực hiện sứ vụ truyền giáo trong 4 Tỉnh dòng: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam hiện có trên 1.000 nữ tu, chiếm ¼ tổng số nữ tu của Hội dòng Thánh Phaolô trên toàn thế giới.

Hiện nay Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng có trên 500 soeurs vĩnh khấn và khấn sinh, phục vụ tại 57 Cộng đoàn và 11 Giáo điểm - trải dài trên 7 Giáo phận và 23 tỉnh thành Việt Nam. Soeur Xuân Lan là Bề trên Giám tỉnh đương nhiệm của Tỉnh dòng SPC Đà Nẵng. Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Giáo sư Đại Chủng viện St. Francis Xavier, đã được Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng mời về hướng dẫn khoá thường huấn năm 2014, 2015 và 2016.

- Cao Thị Khuê Các

Cao Thị Khuê Các
(04/07/2016 - 3659 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Cao Thị Khuê Các